Con Phù Hợp Với Phương Pháp Ăn Dặm Nào?

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, ngoài thức ăn chính là sữa mẹ thì cơ thể bé cũng cần bổ sung những thức ăn khác để dần làm quen với lối sống người lớn. Giai đoạn ăn dặm được xem là bước đánh dấu sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không phải mẹ bỉm sữa nào cũng biết được các phương pháp ăn dặm thích hợp dành cho con. Dưới đây là ưu và nhược điểm của các phương pháp ăn dặm mà mẹ có thể tham khảo

Dấu hiệu nhận biết bé sẵn sàng ăn dặm

Để con được phát triển toàn diện, đảm bảo được bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ thức ăn các mẹ cần cho con ăn đúng thời điểm.  Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ nên cho bé ăn dặm khi được tròn 6 tháng tuổi hoặc khi bé có các dấu hiệu ăn dặm sau đây:

  • Bé mất ngủ liên tục, khóc và đòi ăn đêm nhiều có thể là dấu hiệu cho các mẹ biết rằng trẻ cần bổ sung thêm thực phẩm để không bị cơn đói ảnh hưởng đến giấc ngủ.

  • Khi mới sinh ra được 2 – 3 tháng cứ khoảng 2 – 3 giờ là mẹ có thể cho bé bú 1 lần. Thế nhưng khi được 6 tháng trở đi, bé đã lớn và nhu cầu bổ sung thức ăn cũng cao hơn. Do vậy mẹ sẽ thấy bé thường xuyên đói hoặc khi vừa bú xong vẫn đòi thì rất có thể bé đang bắt đầu muốn ăn dặm để no lâu hơn.

  • Miệng trẻ sẽ bắt chước nhai nhóp nhép khi thấy ai đó ăn cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ăn dặm.

  • Bé thường xuyên gặm nhấm khi nắm được bất kỳ đồ vật nào đó dù mẹ có ngăn cản. Vậy nên khi thấy bé nhà mình bỗng nhiên trở thành chú chuột gặm nhấm thì có nghĩa rằng bé đang báo hiệu mình muốn được ăn dặm rồi cha mẹ nhé. Tuy nhiên đừng thấy bé gặm đồ mà cha mẹ vội vàng cho con ăn đồ rắn ngay nhé.

  • Khi bé đã có thể ngồi vững, có thể kiểm soát được đầu và cổ thì lúc này cha mẹ có thể cho con ăn dặm.

phương pháp ăn dặm

Việc cho bé ăn dặm đúng thời điểm rất quan trọng, bởi vì khi các mẹ cho con ăn quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì, ngay trong giai đoạn sơ sinh và suốt trong thời thơ ấu sau này. Còn nếu cho bé ăn dặm quá trễ sẽ không đảm bảo đủ dưỡng chất cho con phát triển, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu chất.

Các phương pháp ăn dặm cho bé

1. Phương pháp ăn dặm theo kiểu truyền thống:

Ăn dặm theo phương pháp truyền thống đã không còn quá xa lạ với các mẹ Việt Nam. Để làm bột ăn dặm cho bé, các mẹ sẽ xay bột chung với các loại thức ăn như thịt, rau, cá. Khi trẻ đã mọc răng sẽ ăn cháo cùng với thức ăn được xay nhuyễn.

Ưu điểm:

  • Nếu mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống bé có thể ăn số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu nên dễ tăng cân tốt.

  • Đồ ăn được xay nhuyễn an toàn cho hệ tiêu hóa.

  • Nhận được sự ủng hộ từ gia đình.

Nhược điểm:

  • Bé ăn nhiều thức ăn xay nhuyễn có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn thô sau này.

  • Xay nhiều thức ăn chung với nhau nên khi trẻ bị dị ứng mẹ khó phát hiện bé dị ứng với đồ ăn nào.

  • Nhiều thực phẩm xay nhuyễn nên khiến bé khó phân biệt từng loại nguyên liệu.

2. Phương pháp ăn dặm tự bé chỉ huy:

Đây là phương pháp được các nước phương Tây áp dụng nhiều. Phương pháp ăn dặm cho bé này các mẹ thường không xay nhuyễn thức ăn và không đút thìa mà để bé tự ăn. Mẹ sẽ chỉ ngồi hướng dẫn bé đưa thức ăn vào miệng, việc còn lại là của bé.

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Ưu điểm:

  • Bé có thể phát triển được kỹ năng nhai và kiểm soát thức ăn.

  • Bé được chủ động “nắm quyền” kiểm soát thức ăn, nhờ đó được tự do khám phá các mùi vị mình thích.

  • Bé có thể dễ dàng tham gia cùng mọi người trong gia đình khi đến bữa ăn.

Nhược điểm:

  • Bé tự ăn nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể không được kiểm soát, dễ bị sụt cân, chững cân.

  • Do bắt đầu bằng đồ ăn cứng nên nguy cơ bị hóc cao.

  • Mẹ tốn thời gian dọn dẹp “chiến trường” sau khi bé ăn xong.

3. Phương pháp ăn dặm Nhật Bản:

Cho bé ăn dặm theo phương pháp của Nhật là pha cháo loãng qua rây tới tỷ lệ 1:10 chứ không quấy thành bột. Các loại rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.

Ưu điểm:

  • Bé làm quen được với các loại thức ăn khác nhau, giúp cho khả năng nhận diện mùi vị thức ăn phát triển.

  • Ăn theo phương pháp này tốt cho thận của trẻ.

  • Bé không bị gò ép, tạo cảm giác thoải mái khi ăn đồng thời tạo được thói quen ngồi ăn nhanh và tập trung.

Nhược điểm:

  • Các mẹ sẽ rất tốn thời gian trong việc dạy cho bé ngồi và cầm thìa.

  • Chế biến các loại thức ăn riêng biệt cũng rất tốn thời gian.

Việc lựa chọn thực phẩm an toàn cũng như phương pháp ăn dặm phù hợp với bé là một trong những thử thách mà mẹ cần đối mặt. Hi vọng thông qua bài viết này giúp mẹ bổ sung thêm kiến thức về các phương pháp ăn dặm để từ đó mỗi bữa ăn không trở thành “cuộc chiến”.